Vì sao phải đưa chỉ số Course Rating vào công thức tính Handicap sân?
06:38:00 09/07/2023

Chỉ số Course Rating được đưa vào để tính Handicap sân của người chơi để đảm bảo sự công bằng.

Course Rating: là chỉ số mô tả độ khó của sân golf, được dùng để ước lượng số gậy một “người chơi tiêu chuẩn” (Scratch golfer) cần phải thực hiện để hoàn tất 18 hố trong điều kiện mặt sân và thời tiết trung bình. Chỉ số độ khó của sân (hoặc từng tee) được quy đổi về thập phân và dựa trên chiều dài đường đánh, hiệu quả của cú đánh và các chướng ngại vật khác đối với người chơi

Slope rating:  Là chỉ số được dùng để đánh giá độ khó tương đối của sân golf với bogey golfer và scratch golfer. Slope rating thường nằm trong khoảng từ 55 – 155. Slope rating bằng 113 thì sân golf đó được đánh giá là có độ khó tiêu chuẩn. 

Course Handicap: (Handicap Sân) Là điểm chấp sân dựa trên điểm Handicap Index, kết hợp với các thông số về độ khó của sân, người ta sẽ tính điểm course Handicap để so sánh khả năng ghi điểm của một golfer so với một người chơi tiêu chuẩn (scratch golfer) khi chơi trên một sân có độ khó nhất định

=> Theo định nghĩa trên chúng ta thấy Handicap sân của 1 golfer được tính dựa trên điểm Handicap index của golfer đó kết hợp với độ khó của sân, mà Slope rating và Course rating là 2 chỉ số đánh giá độ khó quan trọng nhất của sân golf, vì vậy nếu chỉ áp dụng Slope rating vào tính Handicap Sân theo công thức:

Handicap Sân = Handicap index x (Slope Rating/113)

là chưa đầy đủ và chưa công bằng với người chơi golf có Handicap index ở những trình độ khác nhau.

Với việc Handicap Sân chỉ chịu ảnh hưởng của Slope Rating như ở công thức nói trên, khi thi đấu từ nhiều từ tee box khác nhau thì sẽ ra sao?

1 ví dụ cụ thể: 2 golfer nam A1 & A2 có cùng handicap index là 8.3. (nguồn TT Phan Ngọc Tâm)

Bình thường, 2 anh vẫn đánh cùng nhau từ tee xanh của sân C-D Tân Sơn Nhất (7013 yards, Slope Rating 134, Course Rating 73.9, Par 72 đối với nam) với Handicap Sân là 10 nếu tính theo công thức trên.

Vào một ngày, cũng ở sân này, anh A1 quyết định sẽ đánh từ tee vàng – tee pro (7366 yards, Slope Rating 138, Course Rating 75.5, Par 72 đối với nam) còn anh A2 sẽ vẫn đánh từ tee xanh. Handicap của A2 dĩ nhiên vẫn là 10, còn của handicap của A1 cũng vẫn là 10.  Như vậy là mặc dù trình độ bằng nhau, người đánh từ tee vàng (xa hơn, khó hơn) sẽ phải đánh cùng handicap với người đánh từ tee xanh.

Ai chơi golf đều sẽ thấy, đây là điều không công bằng.

Theo Luật về Handicap năm 2020 của R&A và USGA, khi sử dụng công thức tính Handicap sân như trên, trong trường hợp thi đấu cùng nhau từ nhiều tee box khác nhau (cùng giới tính hoặc khác giới tính), sẽ phải có sự điều chỉnh Handicap Sân tương ứng với sự khác nhau trong Course Rating của các tee box đó. Theo đó, những người đánh từ tee box có Course Rating cao hơn sẽ được cộng thêm vào Handicap sân của họ số gậy tương ứng với hiệu số giữa Course Rating của các tee box đó và số gậy tiêu chuẩn của sân.

Cụ thể, công thức tính lúc này sẽ áp dụng là:

Handicap sân = Handicap Index x (Slope Rating/113) + (Course Rating – Par).

Quay lại ví dụ 2 golfer A1 và A2, nếu áp dụng theo công thức tính như trên.

-Handicap Sân của A1 từ tee vàng sẽ là: 8.3 x (138/113) + (75.5 – 72) = 13.6 (làm tròn thành 14)

-Handicap của A2 từ tee xanh sẽ là: 8.3 x (134/113) + (73.9 – 72) = 11.7 ( làm tròn thành 12).

Lưu ý: Khi làm tròn handicap, các giá trị từ 0.4 trở xuống sẽ được làm tròn thành 0, các giá trị từ 0.5 trở lên được làm tròn thành 1.

Như vậy người đánh ở tee vàng sẽ có handicap cao hơn 2 gậy so với người đánh ở tee xanh.

Từ hai ví dụ cụ thể với 2 công thức trên, có thể thấy rằng việc đưa thêm chỉ số Course Rating vào công thức tính handicap sân sẽ giúp cho cuộc chơi trở nên công bằng hơn rất nhiều với các trường hợp thi đấu khác tee phát bóng với nhau. Khi đó, việc một golfer Nam thi đấu với golfer Nữ sẽ không cần phải bàn cãi quá nhiều về tính công bằng.

Với mong muốn tạo sự công bằng cho mỗi vòng đấu, mỗi giải golf, ứng dụng WGHN đã áp dụng công thức này khi tính handicap sân cho người chơi.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Phạm Duy Dương