"Các tỉnh phía bắc du lịch không phát triển, lại lân cận nhau như Bắc Giang, Hòa Bình rồi Ninh Bình đều gần Hà Nội, làm nhiều sân golf thế ai chơi? Hay sử dụng mục tiêu làm sân golf để phát triển các mục đích khác như giữ đất làm bất động sản. Chính phủ cần chỉ đạo, Bộ TN-MT, Bộ NN-PTNT cần kiểm tra lại các tỉnh dự kiến dành diện tích đất nào cho sân golf, loại đất gì có giải trình cụ thể. Không thể mỗi địa phương lại quy hoạch quá nhiều dễ để lại hệ lụy về sau." Ý kiến của Đại biểu Quốc Hội Phạm Văn Hoà.
Các dự án quy hoạch sân golf được đề xuất siết chặt để xem tính hiệu quả
Rà soát, đánh giá lại hiệu quả
Hơn 16 năm trôi qua, nhiều hạng mục dự án Tổ hợp sân golf, khách sạn và biệt thự TX.Cửa Lò (Nghệ An) vẫn dang dở. Bức xúc trước tình trạng này, cử tri P.Nghi Hòa (TX.Cửa Lò) đã đề nghị UBND tỉnh Nghệ An kiểm tra, xử lý khi dự án phá vỡ quy hoạch đô thị thị xã, trong khi chưa đem lại hiệu quả KT-XH cho địa phương, nhiều hạng mục sau nhiều năm vẫn chưa thực hiện.
Dự án Tổ hợp sân golf, khách sạn và biệt thự Cửa Lò có tổng mức đầu tư hơn 1.527 tỉ đồng, được tỉnh Nghệ An cấp giấy chứng nhận đầu tư tháng 4.2007 với tổng diện tích quy hoạch hơn 132 ha. Quy mô dự án bao gồm 1 sân golf 18 lỗ, 1 khách sạn tiêu chuẩn 5 sao, 1 khách sạn đạt tiêu chuẩn 3 sao, 284 căn biệt thự, khu vui chơi thể thao dịch vụ bãi biển và các công trình phụ trợ.
Dù vậy, theo UBND tỉnh Nghệ An, dự án này đã có tới 4 lần điều chỉnh chứng nhận đầu tư. Tỉnh cũng đã nhiều lần kiểm tra các sai phạm của dự án. Tuy nhiên tới nay vẫn chỉ dừng lại ở việc giao Sở KH-ĐT chủ trì, phối hợp tham mưu thời gian và thủ tục điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án, cũng như giao các sở liên quan có văn bản đôn đốc nhà đầu tư hoàn thành nghĩa vụ tài chính. Chậm tiến độ, nợ tiền sử dụng đất, đa số đều dở dang song theo chủ đầu tư đã huy động vốn nhờ bán chuyển quyền đăng ký sử dụng đất và hợp đồng mua bán nhà, góp vốn.
Đây chỉ là một trong nhiều dự án sân golf kết hợp biệt thự hoặc nghỉ dưỡng, du lịch được quy hoạch nhưng chậm triển khai trong giai đoạn trước. Theo luật sư Bùi Quang Nghiêm (Đoàn luật sư TP.HCM), bản chất các dự án sân golf ồ ạt mọc lên những năm vừa qua, phần lớn nhằm mục đích trước mắt là kinh doanh bất động sản, lâu dài là đầu cơ đất.
Để làm rõ mục đích của việc nở rộ quy hoạch sân golf, luật sư Nghiêm cho rằng Chính phủ nên có một cuộc tổng rà soát toàn bộ hệ thống sân golf hiện nay để làm rõ các vấn đề: Nếu tách biệt kinh doanh dịch vụ, bất động sản nghỉ dưỡng thì hoạt động từ sân golf có hiệu quả hay không? Tạo ra giá trị kinh tế như thế nào? Mỗi năm nộp được bao nhiêu thuế cho ngân sách nhà nước?... Nếu những sân golf đã đi vào hoạt động từ 5 năm trở lên vẫn lỗ nhưng vẫn đề xuất mở rộng, phát triển hoặc địa phương đó vẫn muốn xây dựng thêm sân golf khác thì có thể kết luận luôn là đầu cơ đất, lấy đất công, đất nhà nước đi đầu tư sân golf để tìm kiếm lợi nhuận.
"Chuyển đổi đất rừng để làm sân golf nói riêng cũng như các dự án kinh tế nói chung thì các cấu phần trong nhóm lợi ích đều có lợi: từ doanh nghiệp đến đơn vị cấp phép, đơn vị chấp thuận… Do đó, rất cần sự kiểm tra, giám sát từ phía Chính phủ thông qua công cụ là thuế. Không chỉ yêu cầu dự án phải xây dựng và hoàn thiện đúng theo quy mô, trong thời gian quy định mà còn phải "khoán" mức thu thuế tối thiểu đối với mỗi dự án sân golf", ông Nghiêm nói.
Làm rõ trách nhiệm địa phương
Một chuyên gia bất động sản thừa nhận khi đầu tư các dự án sân golf, chủ dự án thường tính tới tổng thể là một quần thể du lịch nghỉ dưỡng có sân golf. Điều này hoàn toàn phù hợp với nhu cầu du lịch golf đang phát triển mạnh mẽ. Giai đoạn trước, người Việt còn khá xa lạ với golf, đây gần như là môn thể thao chỉ dành cho các đại gia nên các khu nghỉ dưỡng trong sân golf cũng không dễ "ăn nên làm ra".
Tuy nhiên, số lượng người VN chơi golf đang ngày càng tăng trưởng mạnh. Cả nước hiện có khoảng 100.000 người chơi golf, gần 100 sân golf đang hoạt động, dự kiến tiến mốc 200 vào năm 2025. Trong đó, có 32 sân đạt tiêu chuẩn 5 sao quốc tế thì đều gắn liền với các khu nghỉ dưỡng sang trọng. Chính những dự án được đầu tư bài bản như vậy đã tạo nên hấp lực thu hút rất nhiều khách du lịch hạng sang tới VN chơi golf. Tiềm năng du lịch golf của VN đã được cả thế giới công nhận và để phục vụ nhu cầu của khách du lịch thì không thể thiếu những khu nghỉ dưỡng, dịch vụ đẳng cấp đi kèm.
"Xu hướng du lịch hiện nay là ưu tiên không gian riêng tư, khép kín, đặc biệt là giới siêu giàu. Không thể bắt họ tới chơi golf ở 1 nơi rồi phải đi vào tận trung tâm TP để nghỉ ngơi. Khách đến chơi golf cũng không phải đối tượng có nhu cầu cao tham quan nhiều điểm đến như khách thông thường. Chưa kể, theo luật Đất đai, đất xây dựng sân golf gồm 2 phần: đất dịch vụ trồng cây xanh và đất dịch vụ xây dựng các công trình tiện ích khác như nhà hàng, khu vui chơi giải trí, khu vực khách sạn nghỉ dưỡng. Trường hợp một số địa phương để cho nhà đầu tư lách xây khách sạn, biệt thự cho thuê hoặc bán thì đó là trách nhiệm quản lý của địa phương. Doanh nghiệp được cấp phép thì họ cứ thế mà làm thôi", chuyên gia này nói.
Ủng hộ việc phát triển loại hình sân golf du lịch như một điểm nhấn thu hút khách quốc tế, theo đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp), nhiều doanh nhân quốc tế hoặc khách du lịch từ Nhật Bản, Hàn Quốc rất thích đánh golf. Đầu tư các sân golf đẳng cấp quốc tế cũng là một điểm nhấn về du lịch, thu hút khách có thu nhập cao cũng như doanh nhân nước ngoài tới VN đầu tư hoặc công tác.
Tuy nhiên, ông rất băn khoăn khi các tỉnh trong quy hoạch phát triển giai đoạn tới 2030 đang đề xuất quá nhiều sân golf. "Như Hòa Bình là một tỉnh miền núi, du lịch cũng không có gì đặc biệt để thu hút khách trong nước và quốc tế, nhưng mong muốn đầu tư tới gần 40 sân golf thì quá nhiều. Hòa Bình hay Nghệ An không phải là điểm du lịch lý tưởng, chỉ cần một vài sân golf chất lượng hút được khách, đầu tư nhiều sân golf đến thế làm sao có đủ khách, có hiệu quả kinh tế. Trong khi sân golf chiếm dụng đất rất lớn", đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa nhấn mạnh.
Theo báo Tuổi Trẻ